Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Lễ hội Đình Cẩm Hải là một lễ hội truyền thống để tưởng nhớ đến công ơn của 6 vị Đức đại Vương Thành Hoàng làng đã có công với Nước với Dân, khai khẩn đất đai, lập ấp, dưỡng dân, an dân, bảo vệ biên cương bờ cõi từ trên 500 năm trước. Cầu mong trời đất, thần linh mang lại những điều tốt lành cho nhân dân.
Nhằm bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong lễ hội Đình Cẩm Hải, hằng năm vào ngày 30/5 đến ngày 2/6 âm lịch xã Cẩm Hải và xã Hạ Long (Vân Đồn) lại long trọng tổ chức lễ hội Đình Cẩm Hải. Đình Cẩm Hải thuộc địa phận thôn 3, xã Cẩm Hải, được tọa lạc trên một quả đồi nhỏ, quay theo hướng Đông Đông Nam, lưng tựa vào núi.
Đình chính có kết cấu kiểu chữ Đinh (T) gồm 3 gian tiền đường cấu trúc theo nhà cổ 1 gian 2 chái và giữa nhà đua ra phía sau là hậu cung, mái lợp ngói thường. Ngoài bái đường, hai bên được xây cao làm nơi hội họp, chính giữa xây thấp xuống một bậc đây là nơi dùng để tế lễ hàng năm. Hai bên đầu của tiền đình thờ “Đăng niên hành khiển” và “Đăng cảnh thành Hoàng thổ địa”.
Cửa điện chính trong Đình: ngai chính thờ chính vị Ngọc Hoàng, hai bên bài trí ngai thờ Lục vị Đức Đại Vương, mỗi bên 3 ngai thờ; hai bên lăng cảnh thờ tượng 2 ông Hộ Pháp. Trong đình còn được bái trí 2 kiệu, 2 long ô và Bộ bát biểu sắp xếp đều hai bên. Trước cửa điện có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng, trên có khắc ghi 4 chữ nho “Vạn Cổ Tối Linh”, có nghĩa là: “Muôn đời linh thiêng”, hai bên hoành phi có đôi câu đối sơn son thiếp vàng, trên có khắc ghi hàng chữ Nho:
“ Thánh đức hoàng hoàng ca thuấn nhật
Thần ân đảng đảng lạc ngưu thiên”.
và
“ Thánh Đức như sơn phù bản xã thường cường thượng thịnh.
Thần ân tự hải hộ thôn dân viết họ viết khang”.
Có nghĩa là:
"Cửa Đức Thánh lúc nào cũng sáng sủa vui ca múa.
Cầu cho đời đời dân được hưởng lạc".
"Đức Thánh được coi như núi để phù hộ cho xã tắc được chữ cường - chữ thịnh.
Ơn công đức của các vị thần tựa như biển phù hộ cho dân được chữ Thọ - Khang - Ninh".
Đình Cẩm Hải thờ 6 vị Thành Hoàng được sắc phong là 06 vị Đức Đại Vương. Bao gồm: Nhân Minh Đại Vương; Huyền Quốc Lã Thái Úy Đại Vương; Khổng Lồ Đô Thống Giác Hải Đại Vương; Ngọc Sơn Chấn Hải Đại Vương; Bạch Điểm Tước Đại Vương; và Quảng Trạch Đại Vương.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng Đình Cẩm Hải vẫn còn giữ được bộ thần công, kiệu, ngai và sắc phong của Vua.
Nét độc đáo rất riêng của Lễ hội Đình Cẩm Hải là lễ rước "Ông Voi", tục thi "Ông Voi" vào ngày 01/6 âm lịch với những nghi thức tôn kính, trang trọng, uy nghiêm; Theo tục lệ được duy trì từ xa xưa mỗi năm làng lại tổ chức họp để chọn ra các "Cai đám". Các "Cai đám" phải là người khỏe mạnh, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình thuận hòa, không có việc tang. Các "Cai đám" được làng chọn cũng rất vinh dự, tự hào theo quan niệm người xưa, gia đình nào làm tốt công việc "Cai đám" thì sẽ được hưởng lộc, gặp may mắn, gia đình khỏe mạnh, ăn lên làm ra, các "Cai đám" chỉ vinh dự được làm "Cai đám" 1 lần trong đời.
Chiều ngày 30-5 âm lịch, sau lễ tế gia tiên, là lễ rước các "Ông Voi" từ đoàn thuyền xã Hạ long sau đó là lễ rước mâm hoa quả, đưa "Sắc Thần" từ nhà ông "Mo" lên Đình để trình làng. Các cai đám dùng cũi sơn đỏ để rước “Ông Voi” đã được tắm rửa sạch sẽ ra xếp thành hai hàng trước sân đình để chầu thần. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo rất riêng, mong ước cho mọi người dân khỏe mạnh có một cuộc sống ấm no, đủ đầy, làm ăn thuận lợi, đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh mang đậm bản sắc làng chài ven biển.
Ngay từ buổi chiều 30-5 âm lịch các trò chơi dân gian đã tổ chức để thu hút đông đảo người dân và các du khách thập phương cùng tham gia như bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy ...
Các trò chơi dân gian tạo không khí vui vẻ, hào hứng cho người dân và du khách thập phương
Các đồng chí lãnh đạo địa phương trao giải cho các VĐV trong Hội thi đẩy gậy
Ngày 01/6 âm lịch là ngày khai hội chính của lễ hội Đình Cẩm Hải lễ rước kiệu từ Đình làng ra miếu ngoài thôn 5 để làm lễ rồi quay lại Đình tiến hành lễ yên vị trong âm thanh sôi động của đoàn hộ tống gồm: 22 đội hình rước: Đội kỳ lân, Đội quốc kỳ, Đội trống dập Cẩm Hải, Đội cờ làng (Đoàn TN và Hội PN), Đội trống dập (Hạ Long), Chấp hiệu tiền quân Cẩm Hải, Mâm hoa quả, Bát biểu, Hội Người cao tuổi (Cẩm Hải-Vân Đồn), Các cô bác phụ nữ, Đội chèo tải (Cẩm Hải - Hạ Long), Đội bát âm Hạ Long, Kiệu con, Đội chân tế, Cờ ngũ hành, Đội bát âm Cẩm Hải, Chấp hiệu trung quân, Kiệu to, Cụ Mo, Các ông Đám, Chấp hiệu hậu quân Hạ Long, Nhân dân và Khách thập phương …. Tiếp đến là lễ kéo cờ tổ quốc và cờ hội, rồi mới đến các nghi lễ tế 6 vị thần thành hoàng; lễ Tục nhật – Tục dạ; lễ Đóng và cất cây Tây đám…
Các nghi thức làm lễ ngoài "Miếu" tại thôn 5 xã Cẩm Hải
Hằng năm thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương nhiều nhất là Hội thi đua thuyền truyền thống vào chiều ngày 01/6 âm lịch, đây là nét riêng mang đậm văn hóa của một làng chài ven biển. Để tham gia hội đua thuyền, mỗi đội đua gồm 18 tay chèo, 1 người cầm lái, 1 người chỉ huy ở đầu mũi thuyền. Năm 2017 có 4 đội đua thuyền truyền thống, được chia làm 2 bảng đấu loại trực tiếp.
Các tay chèo là những trai tráng, khỏe mạnh được tuyển chọn của các đội đua và được tập luyện các kỹ năng một cách kỹ lưỡng để có thể mang về giải thưởng cao nhất cho đội của mình.
Năm 2017 đội đua thuyền Thôn 2 xã Cẩm Hải dành giải nhất, đội đua thuyền xã Hạ long (Vân Đồn) dành giải nhì, đội đua thuyền Thôn 5 và Thôn 3 đồng giải 3.
Thông qua màn đua thuyền truyền thống cùng các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc làng quê, vừa là dịp để mọi người tham gia và hưởng thụ văn hóa, cũng là dịp truyền lại cho thế hệ sau bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từng vùng, miền.
Lễ hội đình Cẩm Hải thể hiện quyết tâm vượt qua gian khó, bám đất bám làng để vươn lên của người dân xã Cẩm Hải, giống như 6 vị đại vương cha ông họ thuở trước. Là dịp để thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời thắt chặt tình làng nghĩa xóm và gắn kết cộng đồng, góp phần đẩy mạnh Xây dựng đời sống văn hóa và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn kiểu mẫu, xây dựng thành phố Cẩm Phả ngày càng văn minh giàu đẹp.
Hải kaka